Chuyên mục
Liên kết ban ngành
Số lượt truy cập
16556603
Hình thành và phát triển

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TP.HCM

 

          Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh (Liên hiệp) được thành lập trên cơ sở kế thừa, phát triển nhiệm vụ của Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước Thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác quốc tế, phục vụ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
         Nhìn lại những chặng đường đã đi qua với những kết quả đạt được và triển vọng sắp tới, các thế hệ những người làm công tác đối ngoại nhân dân không khỏi tự hào về những đóng góp tích cực của mình vào sự phát triển chung của Thành phố từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến nay.

          Tiền thân: Ủy ban đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước thành phố Hồ Chí Minh (1977-1989)

          Ngay sau khi Nước nhà thống nhất, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về công tác đối ngoại nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo công tác dân vận quốc tế. Năm 1977, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố đã cho thành lập Ủy ban Đoàn kết và  Hữu nghị với nhân dân các nước Thành phố, trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

          Nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước là đại diện cho nhân dân Thành phố  đón tiếp những người bạn cũ đã từng hết lòng “đoàn kết với Việt Nam chiến đấu” trong hai cuộc đấu tranh của dân tộc ta; làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ tình hình thực tế của đất nước và Thành phố, qua đó vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

         Nhân sự Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước lúc bấy giờ tuy ít nhưng đều là những cán bộ kỳ cựu của Mặt trận Dân tộc giải phóng, của Ban CP 72 – Bộ ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và của Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch là ông Nguyễn Hộ, Phó Chủ tịch Thường trực là cựu Đại sứ Phạm Văn Ba. Hoạt động đối ngoại nhân dân – lúc ấy thường gọi là quốc tế nhân dân – của Ủy ban những năm ấy gắn liền với công sức của nhiều đồng chí như cựu Đại sứ Đặng Quang Minh, Phạm Văn Ba, dược sĩ Mã Thị Chu, bác sĩ Ủ Thị Anh, các đồng chí Bùi thị Nga, Hoàng Ngọc Cừ, Nguyễn Văn Bảnh, Đoàn Ngọc Tám, Trần Văn An, Nguyễn Hoàng Kính, Nguyễn Bình Thanh… Ngoài lực lượng nồng cốt của Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị Thành phố, Ủy ban còn mời các nhân sĩ, trí thức, chức sắc  tôn giáo có tâm huyết với công tác hữu nghị tham gia vào các hoạt động quốc tế nhân dân, hình thành được mạng lưới ngoại giao nhân dân hoạt động rất có hiệu quả.

          Trong thời gian này, các đoàn khách quốc tế đến thăm Thành phố rất đông, mỗi năm có hàng trăm đoàn khách đến thăm Thành phố. Trong những cuộc gặp gỡ với các đoàn khách, nhất là khách đến từ các nước phương Tây, cùng tham gia tiếp khách với lãnh đạo Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị còn có các vị chức sắc tôn giáo như linh mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, hòa thượng Thích Thiện Hào, Thích Minh Châu, nhân sĩ, trí thức yêu nước như giáo sư Lý Chánh Trung, luật sư Trần Ngọc Liễng, Triệu Quốc Mạnh, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bà luật sư Ngô Bá Thành, Nguyễn Phước Đại, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, nhà văn Vũ Hạnh, một số vị dân biểu đối lập cũ như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quí Chung và nhiều nhân vật tên tuổi khác trong các giới đồng bào Thành phố. Thông qua tiếng nói rất đa dạng của những người tại chỗ và lực lượng nồng cốt của Ủy ban, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn sự nghiệp chính nghĩa, anh hùng của nhân dân ta, thấy được chính sách đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, giải tỏa cho bạn được nhiều vấn đề “mắc mứu” trong quan hệ quốc tế lúc bấy giờ.

         Các hội thành viên của Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước thành phố Hồ Chí Minh gồm Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên Xô (10/1979) Việt Nam – Campuchia (12/1979) Việt Nam – Lào (1984), Ủy ban Hoa bình (1984), Việt Nam – Mông Cổ (1984), Việt Nam – Cuba (1986), Việt Nam – Tiệp Khắc (1987). Các Hội thành viên luôn sát cánh cùng Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước Thành phố trong các hoạt động hữu nghị quốc tế nhân dân hết sức sôi động thời bấy giờ.

        Công lao đóng góp của các bậc tiền bối trên mặt trận ngoại giao nhân dân trong thời kỳ đầu những năm sau giải phóng là to lớn và có ý nghĩa quan trọng: vun đắp các mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với bạn bè truyền thống, làm cho bạn bè quốc tế và nhân dân các nước hiểu rõ thêm về Việt Nam, khẳng định quyết tâm “Đoàn kết với Việt Nam bây giờ càng cấp thiết” trong tình hình nước ta gặp vô vàn khó khăn lúc bấy giờ; tạo được điều kiện cơ sở vật chất, phương pháp hoạt động, kinh nghiệm quý giá trong hoạt động đối ngoại cho các thế hệ làm công tác ngoại giao nhân dân sau này, nhất là việc huy động lực lượng nồng cốt từ các giới đồng bào Thành phố tham gia vào hoạt động đối ngoại nhân dân rất có hiệu quả. Chúng ta hết sức trân trọng đóng góp quý báu của những người đi trước.

  Quá trình hình thành và phát triển:
         Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đang từng bước đổi thay bộ mặt đất nước ta. Quan hệ quốc tế được mở rộng. Bạn bè quốc tế và nhân dân các nước càng quan tâm đến công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới, ở Trung ương đã hình thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam bao gồm các tổ chức: Ủy ban hòa bình, Ủy ban đoàn kết hữu nghị, các Hội hữu nghị song phương, đa phương của nước ta với các nước.
      Ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhằm mục đích trên, ngày 30/3/1989, Thường trực Thành ủy ra quyết nghị thành lập Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị từ Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước Thành phố. Ngày 03/4/1989, Ban Thường vụ Thành ủy có Thông tri 61/TT-TU về việc thành lập Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, xác định Liên hiệp là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, trực thuộc sự lãnh đạo của Thành ủy, thông qua Ban Đối ngoại; Liên hiệp có biên chế, kinh phí độc lập và phương tiện hoạt động do Ủy ban nhân dân cấp theo đề nghị của Liên hiệp trên tinh thần tiết kiệm. Ngày 05/6/1989, Ủy ban nhân dân Thành phố ra Quyết định cho phép thành lập Liên hiệp các tổ chức Hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Thành phố (Liên hiệp). Ngày 29/7/1989, tại Nhà Hữu nghị Thành phố đã diễn ra Lễ thành lập Liên hiệp với việc hiệp thương ra mắt Đoàn Chủ tịch và chính thức tách khỏi cơ quan Mặt trận Tổ quốc Thành phố, đi vào hoạt động độc lập với tên gọi mới, cơ cấu tổ chức mới.
        Ngày 27/7/1993, Ban Bí thư Trung ương có Chỉ thị 27-CT/TW về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam. Chỉ thị xác định các nhiệm vụ chủ yếu của Liên hiệp, trong đó xác định Liên hiệp là tổ chức chính trị-xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và vận động viện trợ nhân dânhỗ trợ cho công tác đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước. Liên hiệp là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Chính phủ. Chỉ thị 27-CT/TW của Ban Bí thư đã tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và bản thân Liên hiệp, nhất là về mục tiêu, phương thức, nội dung hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy cán bộ.
        Ngày 14/10/1994, Ủy ban nhân dân Thành phố ra quyết định kiện toàn tổ chức và đổi tên Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị thành Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 7/1997, Ủy ban nhân dân Thành phố giao thêm cho Liên hiệp nhiệm vụ làm đầu mối, phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về những vấn đề liên quan đến các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28/8/1998, Ủy ban nhân dân Thành phố ra quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh. Điều lệ xác định Liên hiệp là tổ chức chính trị-xã hội có chức năng đối ngoại nhân dân, có các đối tác là các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài hoạt động viện trợ nhân đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng chỉ đạo xuyên suốt hoạt động của Liên hiệp cho đến nay.
       Khoảng thời gian 10 năm đầu sau khi thành lập là thời gian Liên hiệp định hình dần cơ cấu tổ chức Liên hiệp, bộ máy cơ quan thường trực, phát triển các tổ chức thành viên, đổi mới phương thức và nội dung hoạt động, củng cố mối quan hệ quốc tế sẵn có, mở rộng thêm các mối quan hệ quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và Châu Á-Thái Bình Dương. Trong thời gian này, Liên hiệp phát triển thêm 11 tổ chức thành viên là các Hội hữu nghị: Việt Nam-Ba Lan, Việt Nam-Ấn Độ, Việt Nam-Pháp, Hội Quốc tế ngữ, Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Đức, Việt Nam-Đông Nam Á, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Hungary, Việt Nam-Thái Lan. Đến 1999, Liên hiệp có 18 tổ chức thành viên, được tổ chức thành Đoàn Chủ tịch Liên hiệp gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch là Chủ tịch các Hội thành viên, có Ban Thư ký gồm Tổng Thư ký và 3 Phó Tổng Thư ký, có Ban Thường vụ Liên hiệp gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp. Cơ quan thường trực Liên hiệp có các bộ phận nghiệp vụ gồm Văn phòng Liên hiệp, Ban công tác Hữu nghị, Ban công tác Phi chính phủ nước ngoài.
        Trong 10 năm (1989-1999), Liên hiệp đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách hữu nghị nhân dân với hàng ngàn lượt khách từ nhiều nước trên thế giới đến thăm Thành phố. Liên hiệp đã cùng các Hội thành viên phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan của Thành phố tổ chức nhiều hoạt động nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, với các đối tác truyền thống, các nước trong khu vực, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giao lưu hợp tác với các đối tác khác, trên cơ sở đó xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác bền vững giữa ta và bạn bè quốc tế.
       Song song với hoạt động hữu nghị, công tác phi chính phủ nước ngoài cũng có những bước phát triển mới. Năm 1999, có khoảng 100 tổ chức PCPNN hoạt động tại Thành phố, trong đó có khoảng  50 tổ chức có đăng ký được cấp phép dự án hoặc cấp phép hoạt động, có chương trình, dự án viện trợ trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, xã hội, xóa đói giảm nghèo… . Hàng năm, tổng giá trị viện trợ PCPNN tại Thành phố đạt từ 6-7 triệu USD, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển tại Thành phố.
        Bước sang thế kỷ 21, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, kết hợp chặt chẽ công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân  tiếp tục được khẳng định và nâng lên tầm cao mới. Thực hiện phương châm "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển", Thành ủy - Ủy ban nhân dân Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mở rộng các quan hệ đối ngoại, trong đó có quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển giữa nhân dân Thành phố với nhân dân các nước.
        Đến năm 2006, Liên hiệp có thêm 9 tổ chức thành viên mới gồm các Hội hữu nghị: Việt Nam – Mỹ (2002), Việt Nam – Australia (2002), Việt Nam – Canada (2003), Việt Nam – Singapore (2004), Quỹ Hòa bình và Phát triển (2005), Việt Nam – Indonesia (2005), Việt Nam – Anh (2006), Việt Nam – Thụy Điển (2006), Việt Nam – Malaysia (2006), nâng tổng số thành viên Liên hiệp lên 27 tổ chức. Nhiều tổ chức thành viên Liên hiệp, cũng phát triển thêm các chi hội hữu nghị ở cơ sở trường Đại học, Nhà văn hóa, Doanh nghiệp, Quận Huyện, các Ban liên lạc cựu tình nguyện quân, Ban liên lạc cựu du học sinh các nước  v.v…
        Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - Ủy ban nhân dân Thành phố, ngày 27/10/2006, Đại hội đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại Nhà Hữu nghị, với sự tham dự của đông đảo đại biểu các tổ chức thành viên, các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể Thành phố, đại diện lãnh đạo Liên hiệp Trung ương và Liên hiệp các tỉnh bạn. Đại hội đã hiệp thương bầu ra Ban Chấp hành 53 vị. Đồng chí Lê Hưng Quốc được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp. Ban Chấp hành gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên, đại diện lãnh đạo một số Sở, Ngành, Đoàn thể Thành phố, các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, các cán bộ chuyên trách Cơ quan Thường trực Liên hiệp. Ban Chấp hành hiệp thương bầu ra Ban Thường vụ 17 vị gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, một số Ủy viên Ban Chấp hành để chỉ đạo mọi hoạt động của Liên hiệp. Đại hội cũng đã bầu ra Ban kiểm tra của Liên hiệp do đồng chí Hoàng Thị Khánh làm Trưởng ban; xác định Cơ quan Thường trực Liên hiệp gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng Thư ký, Văn phòng, các Ban công tác chuyên môn – nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc. Đại hội cũng xác định những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại của Liên hiệp trong giai đoạn 2006 – 2011.
 
        Đại hội Liên hiệp lần thứ I là cột mốc đánh dấu sự phát triển, trưởng thành về nhiều mặt của Liên hiệp; đồng thời tạo nền tảng, tiền đề hết sức quan trọng trong việc phát triển, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí, cơ cấu tổ chức, phương thức và nội dung hoạt động của Liên hiệp trong giai đoạn tiếp theo.
           Ngày 30/11/2006, Ủy ban nhân dân Thành phố ra quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động  (mới) của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở Điều lệ được ban hành, ngày 08/2/2007, Ban Chấp hành Liên hiệp căn cứ kết luận trong phiên họp lần thứ I (ngày 06/2/2007) đã ra Quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Liên hiệp nhiệm kỳ I (2006 – 2011). Đây là bước tiến đáng kể trong quá trình đổi mới phương thức hoạt động, cải tiến lề lối làm việc của Liên hiệp trong tình hình mới.
         Cùng với sự phát triển của Liên hiệp, Cơ quan Thường trực Liên hiệp cũng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động. Cơ quan đã xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Cơ quan Thường trực Liên hiệp (30/9/2008), ban hành Quy chế làm việc của 2 Ban chuyên môn và Văn phòng Liên hiệp (10/4/2009). Cơ quan Thường trực cũng đã tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên hiệp xây dựng và triển khai các Chương trình làm việc hàng năm, hàng quí của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Cơ quan Thường trực Liên hiệp; xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Liên hiệp thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam lần thứ tư (2008 – 2013); tham mưu cho Thành ủy - Ủy ban nhân dân Thành phố tổng kết thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Ban Bí thư về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam, tổng kết công tác Phi chính phủ nước ngoài theo chỉ thị 19-CT/TW, v.v… Những việc trên đã đưa hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Cơ quan Thường trực Liên hiệp theo nền nếp khá chặt chẽ, làm việc theo quy chế, theo chương trình, kế hoạch với những nội dung được xác định trong từng thời gian, thời điểm; nâng dần tính chuyên nghiệp trong hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp và Cơ quan Thường trực Liên hiệp; góp phần thúc đẩy những chuyển biến trong hoạt động của các tổ chức thành viên.

 

       Đại hội Liên hiệp lần thứ II nhiệm kỳ 2011-2016 được tổ chức ngày 11/11/2011 là một bước phát triển mới, kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, đề ra phương hướng, chương trình hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội lần thứ IX xủa Đảng bộ thành phố trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân của TP HCM. 

          
       Hoạt động của Liên hiệp trong hơn 20 năm qua đã thể hiện sinh động đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, theo chủ trương:“mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức nhân dân các nước, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức Phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân các nước trong khu vực trên thế giới”. Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã tiếp và làm việc chính thức với các đoàn khách là các tổ chức hòa bình, hữu nghị của các nước và các tổ chức quốc tế nhân dân thuộc các châu lục trên thế giới. Hàng năm, Liên hiệp phối hợp với các hội thành viên và cơ quan ngoại giao đoàn tổ chức khoảng 40 sự kiện chính trị - đối ngoại kỷ niệm các ngày lễ lớn của Việt Nam và các nước có liên quan bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hoạt động đoàn kết, hữu nghị còn được mở rộng thông qua các buổi giao lưu văn hóa – nghệ thuật – thể thao, các chuyến du xuân hữu nghị, hội thảo hợp tác kinh tế, quảng bá du lịch, thương mại giữa Việt Nam và các nước, các buổi nói chuyện chuyên đề về hòa bình, hội nhập và phát triển, về Việt Nam – WTO, về quan hệ Việt Nam với các nước, về ủng hộ vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thi tìm hiểu văn hóa, đất nước con người các nước trong khu vực và được tổ chức ở Nhà Hữu nghị, ở các quận, huyện, ở các cơ sở chi hội hữu nghị trong các trường Đại học, Nhà văn hóa. Các hoạt động trên đã thu hút hàng chục ngàn lượt người phía bạn và ta tham dự, nhất là trong giới trẻ, sinh viên các trường Đại học.
       Nhiều hoạt động đoàn kết, hữu nghị được gắn với công tác xã hội – từ thiện, vận động các tầng lớp nhân dân Thành phố chia sẻ giúp đỡ nhân dân các nước bị thiên tai; vận động các Tổng Lãnh sự quán, các tổ chức phi chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức kinh  tế trên Thành phố ủng hộ các chương trình xã hội – nhân đạo trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, xây dựng trường học, cầu đường, khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa. Liên hiệp và các Hội thành viên cũng đã vận động giúp người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây trường, cấp học bổng cho học sinh nghèo… ở hành phố HCM và một số tỉnh bạn.
       Công tác thông tin đối ngoại luôn được Liên hiệp quan tâm phối hợp các ngành lien quan, các cơ quan báo, đài Thành phố và Trung ương thực hiện bằng nhiều phương thức nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh Việt Nam sau chiến tranh đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển; đồng thời giới thiệu các nước góp phần nâng cao hiểu biết quốc tế, ý thức đấu tranh bảo vệ hòa bình của các tầng lớp nhân dân Thành phố.

       Trong nhiều năm qua, Liên hiệp và nhiều Hội thành viên chủ động tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế, vận động, đấu tranh dư luận trên nhiều vấn đề nóng và nhạy cảm liên quan đến bảo vệ hòa bình, môi trường sinh thái, chủ quyền quốc gia, vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chú trọng gắn các hoạt động hữu nghị với nghĩa vụ  đền ơn đáp nghĩa bạn bè quốc tế đã hết lòng giúp đỡ, ủng hộ cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, góp phần cùng Thành phố thực hiện tốt lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

     Công tác PCPNN được Liên hiệp quan tâm đổi mới nội dung và phương pháp công tác nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan ban ngành, địa phương, đoàn thể Thành phố và cơ sở với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tăng cường vận động viện trợ, thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực theo định hướng của Thành phố, góp phần làm bạn bè các nước hiểu, thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Thành phố với nhân dân các nước và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.
      Đến nay, có 150 tổ chức PCPNN từ các châu lục tham gia hoạt động viện trợ nhân đạo và phát triển tại Thành phố. Hàng năm có khoảng 15 – 25 tổ chức mới được cấp phép hoạt động và một số tổ chức kết thúc dự án, ngưng hoạt động. Đa số các chương trình dự án viện trợ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân Thành phố
       Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm hoạt động đối ngoại nhân dân của Thành phố và hơn 20 năm hoạt động của Liên hiệp, những người làm công tác đối ngoại nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn mục tiêu của công tác đối ngoại nhân dân là làm cho nhân dân các nước thêm hiểu biết, đồng tình, ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh. Đối ngoại nhân dân có đối tác là tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có tư tưởng tiến bộ, thiện chí với Việt Nam. Do đó, hoạt động đối ngoại nhân dân là của mọi người Việt Nam, là công việc của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức nhân dân, doanh nghiệp…, trong đó Liên hiệp là tổ chức chuyên trách có vai trò đầu mối, là một trong những lực lượng nồng cốt trên mặt trận đối ngoại nhân dân của Thành phố. Thành quả hoạt động của Liên hiệp luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Thành ủy, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân Thành phố, sự hướng dẫn của Liên hiệp Trung ương, sự phối hợp, cộng tác, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng, các tầng lớp nhân dân Thành phố.
       Những đóng góp của Liên hiệp trong hơn 20 năm qua vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước tuy còn khiêm tốn song rất đáng trân trọng vì nó là kết tinh của trí tuệ, tâm huyết, công sức của các thế hệ những người làm công tác ngoại giao nhân dân đã góp phần làm cho nhân dân các nước hiểu rõ hơn, đồng tình hơn, ủng hộ mạnh mẽ hơn và hợp tác nhiều hơn với Thành phố trên mặt trận xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
      Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ làm công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 (2003), Huân chương lao động hạng 2 (2009), 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 cờ thi đua xuất sắc của Liên hiệp Trung ương, 2 cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu trong nhiều năm của Ủy ban nhân dân Thành phố. Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba Thành phố được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.
       Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự đóng góp to lớn và quí báu của các bậc tiền bối, những người đã khởi sự xây dựng nền ngoại giao nhân dân Thành phố từ hơn 30 năm trước trong Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị với nhân dân các nước; của các vị Chủ tịch Liên hiệp: Lê Đình Nhơn, Lê Quang Chánh, Võ Anh Tuấn, Dương Đình Bá, Trần Văn Tạo, Hồ Thị Minh Nguyệt – những bậc đi trước đã đứng mũi chịu sào, cùng tập thể Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Cơ quan Thường trực Liên hiệp xây dựng Liên hiệp nên vóc nên hình ngày hôm nay. Trân trọng cảm ơn các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Chấp hành các tổ chức thành viên, cùng tất cả cán bộ viên chức cơ quan thường trực Liên hiệp các thời kỳ đã hết lòng hết sức đóng góp tài năng, trí tuệ, công sức cho hoạt động đối ngoại nhân dân của Thành phố. Trân trọng cảm ơn các cô chú, anh chị, bằng hữu, những tình nguyện viên, những mạnh thường quân thầm lặng đầy tâm huyết, đã tự giác, tự nguyện tham gia và nồng cốt trong nhiều hoạt động đoàn kết, hữu nghị của Liên hiệp và các Hội thành viên.
      Chúng ta trân trọng cám ơn các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao nhân dân của Liên hiệp và các tổ chức thành viên. Cảm ơn các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các báo đài Thành phố đã nhiệt tình cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho Liên hiệp hoàn thành nhiệm vụ trong suốt thời gian qua.
       Liên hiệp,thay mặt nhân dân Thành phố, cũng bày tỏ lòng tri ân đối với các bạn bè quốc tế đã chí tính, chí nghĩa ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cảm ơn ông Raymond Aubrac, ông Henri Martin, bà Raymonde Dien, bà Madeleine Riffaud, ông Jean Pierre Debris, ông André Menras, những người bạn lớn từ nước Pháp. Cảm ơn bà Melba Hernández, nguyên Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam cùng những người bạn nghĩa tình  của đất nước Cuba anh hùng. Cảm ơn cựu Phó Thủ Tướng Úc Tom Uren và những người bạn Úc: bà Jean Mc Lean, cựu Chủ tịch Hội hữu nghị Australia – Việt Nam và nhóm Fairlea five. Cảm ơn linh mục Harry Bury, ông Tom Hayden, ông Dave Dellinger, bà Cora Weiss,  gia đình anh Norman Morrison, cùng những người bạn Mỹ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cảm ơn ông Romes Chandra, nguyên Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, ông Len Aldis – Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh – Việt. Cảm ơn bà Sybille Weber – Tổng Thư ký tổ chức “Hành động vì Việt Nam” của Cộng hòa Liên bang Đức và Viện sĩ Kurt Schwaen, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Đức-Việt, v.v...
       Xin chân thành cảm ơn tất cả bạn bè quốc tế, các cơ quan ngoại giao đoàn, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân đã dành cho Liên hiệp sự thiện cảm, giúp đỡ, hỗ trợ, cộng tác nhằm mục tiêu vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác phát triển giữa nhân dân các nước, các dân tộc.

 

Các chi hội hữu nghị

 

 

 

Ngôn ngữ
English (United States) Tiếng Việt (Việt Nam)